Thời Tống Thần Tông và Tống Triết Tông Sái_Kinh

Thăng tiến

Sái Kinh tự là Nguyên Trường (元長), người Tiên Du, Hưng Hóa[2]. Cha ông là Sái Chuẩn. Từ nhỏ Sái Kinh là người thông minh, viết chữ đẹp.

Niên hiệu Hy Ninh thời Tống Thần Tông (1058-1078), Sái Kinh cùng em là Sái Biện lên thi ở kinh thành Khai Phong, cả hai anh em cùng đỗ tiến sĩ[3].

Sái Kinh được cử đi làm Huyện uý huyện Tiền Đường[4], còn Sái Biện đi làm chủ bạ Giang Âm. Sái Biện được Thừa tướng Vương An Thạch đang thi hành "Khang Ninh biến pháp" quý mến và gả con gái cho nên thăng tiến rất nhanh, lên chức Trung thư xá nhân kiêm Thị giảng. Sái Kinh tỏ ra là người ủng hộ biến pháp của Vương An Thạch, nhờ có em là con rể Thừa tướng nên ông được thăng làm Thôi quan ở Thư châu[5]. Sau đó ông được mời về triều giữ chức Khởi cư lang.

Sau đó Sái Kinh nhận nhiệm vụ làm sứ giả sang nước Liêu ở phương bắc. Do ngoại giao thành công, ông cũng được thăng làm Trung thư xá nhân như Sái Biện.

Nhờ viết chữ đẹp, Sái Kinh được thăng làm Đãi chế tại Long đồ các và đến niên hiệu Nguyên Hựu (1086-1093) thời Tống Triết Tông, Sái Kinh được bổ nhiệm kiêm thêm chức Tri phủ phủ Khai Phong.

Thời Tống Triết Tông, vua còn nhỏ và Cao thái hậu nhiếp chính. Vương An Thạch thất thế, Tư Mã Quang lên cầm quyền (1086). Sái Kinh được giao nhiệm vụ phải hoàn thành các chế độ cũ về sai dịch. Những người khác đều do thời gian quá gấp gáp không thể hoàn thành, riêng Sái Kinh hoàn thành đúng kỳ hạn nên được phong thưởng[1].

Thất thế

Ít lâu sau, nhiều quan Gián nghị trong triều vạch tội Sái Kinh có những ý đồ xấu, do đó ông bị truất bỏ chức vụ, phải đi làm Tri huyện tại Thành Đức quân[6] và Tri châu Doanh châu[7] đều là những nơi hoang vắng trên biên giới.

Trong thời gian ở Doanh châu, Sái Kinh thay đổi thái độ với biến pháp Vương An Thạch nhằm lấy lòng Tư Mã Quang. Ông không đồng tình với những ai nhắc tới biến pháp. Vì vậy sau một thời gian, những người phe Tư Mã Quang cho rằng có thể dùng được Sái Kinh, bèn đưa ông về làm Tri phủ Thành Đô[8].

Tuy nhiên, trong số những người thuộc phe Tư Mã Quang, Phạm Tổ Vũ thuyết phục mọi người rằng Sái Kinh chỉ là người xảo quyệt, tạm thời luồn cúi để tiến thân chứ không thực lòng phản đối biến pháp. Vì vậy ông lại bị chuyển sang làm Phát vận sứ ở Giang Hoài, Kinh Triết. Khi đến nhận chức, ông luôn bị các quan lại địa phương đả kích nên rất oán hận Phạm Tổ Vũ[9].

Lại phục hồi

Năm 1093, Cao thái hậu mất, vua Triết Tông đã lớn, tự mình trông coi triều chính. Triết Tông ghét những người theo tư tưởng thủ cựu của Tư Mã Quang, ủng hộ quan điểm cải cách của Vương An Thạch[9], vì thế những người cùng phe Tư Mã Quang (đã mất năm 1087) bị đuổi và những người theo phái cải cách lại được dùng. Sái Kinh trong số những người bị phe thủ cựu đả kích nên lại đến niên hiệu Thiệu Thánh (1094-1097), ông được Tống Triết Tông gọi về triều phong làm Thượng thư bộ Hộ, còn Sái Biện được phong làm Phó tể tướng. Ông cùng với Thừa tướng Trương Đôn hợp sức thi hành biến pháp cải cách của tể tướng Vương An Thạch đã vạch ra trước đây.

Tuy nhiên, việc thực thi biến pháp của Trương Đôn và Sái Kinh không còn giống Vương An Thạch mà chỉ tập trung vào việc truy diệt những người theo phe thủ cựu của Tư Mã Quang, tiến hành cách chức và lưu đày họ. Trong việc thực thi việc này, Sái Kinh được Trương Đôn tán thưởng[10].

Năm 1097, Trương Đôn cùng Sái Biện vu cáo Tư Mã Quang và những người phe thủ cựu từng có mưu đồ lật đổ Tống Triết Tông. Sái Kinh được giao nhiệm vụ điều tra vụ án này. Kết quả họ bị chém đầu hoặc đi đày xuống Lĩnh Nam. Hành động của ông và Trương Đôn khiến nhiều người căm giận, họ đặt ra câu đồng dao đề bày tỏ sự bất bình[10]:

Đại Đôn tiểu Đôn, nhập địa vô môn; Đại Sái tiểu Sái, hoàn tha mệnh trái

Nghĩa là:

Đại Đôn tiểu Đôn, hết cửa xuống đất; Đại Sái tiểu Sái, phải trả nợ máu

Liên quan